Bối cảnh Dunkerque_(lớp_thiết_giáp_hạm)

Hội nghị Hải quân Washington năm 1922, kết thúc với thỏa thuận Hiệp ước Hải quân Washington, quyết định ngừng việc đóng mới thiết giáp hạm trong vòng mười năm; khi mà một cuộc chạy đua vũ trang hải quân mới đang diễn ra giữa Hoa Kỳ, Anh QuốcNhật Bản; với các lớp thiết giáp hạm ColoradoSouth Dakota của Mỹ, lớp tàu chiến-tuần dương G3 của Anh, lớp thiết giáp hạm NagatoTosa cùng lớp tàu chiến-tuần dương Amagi của Nhật đang được chế tạo hay lên kế hoạch. Hiệp ước cho phép Hoa Kỳ hoàn tất các thiết giáp hạm ColoradoMaryland thuộc lớp Colorado; Anh được phép đóng mới hai thiết giáp hạm trong giới hạn được đưa ra bởi Hiệp ước: tải trọng 35.000 tấn và cỡ pháo chính 16 inch; và Nhật Bản tiếp tục hoàn tất chiếc Mutsu thuộc lớp Nagato. PhápÝ mỗi nước sẽ được phép thay thế, sau năm 1927, hai trong số các thiết giáp hạm cũ của họ, theo những giới hạn về tải trọng và cỡ pháo như đã nêu trên.[1]

Đức Quốc xã không bị ràng buộc bởi Hiệp ước Washington, nhưng theo những quy định riêng của Hiệp ước Versailles, trong đó cấm chế tạo mọi tàu chiến có tải trọng lớn hơn 10.000 tấn.[2] Giới hạn này còn thấp hơn cả tải trọng của lớp tàu tuần dương bọc thép Minotaur của Anh hay lớp thiết giáp hạm tiền-dreadnought Deutschland của Đức, tất cả đều được đóng trước năm 1910.

Hoa Kỳ, Anh và Nhật Bản đã sử dụng hết những hạn ngạch cho phép được quy định bởi Hiệp ước Washington, nhưng Pháp và Italy đã không sử dụng. Lý do chính là do những khó khăn tài chính mà hai nước này gặp phải; nhưng ngay cả trong các cuộc đụng độ hải quân, tầm quan trọng của việc chế tạo thiết giáp hạm rất đáng nghi ngờ,[3] vì không có một thắng lợi quyết định nào được đưa đến trong các cuộc đối đầu giữa những thiết giáp hạm, kể từ chiến thắng của Hoa Kỳ tại vịnh ManilaSantiago de Cuba trong cuộc Chiến tranh Tây Ban Nha-Hoa Kỳ và chiến thắng của Nhật Bản trong trận Hải chiến Tsushima, hơn 24 và 17 năm trước đó.

Kinh nghiệm trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất cho thấy rõ tầm quan trọng của việc đảm bảo an toàn các tuyến đường thương mại hàng hải, một nhiệm vụ mà tàu tuần dương tỏ ra phù hợp hơn so với những thiết giáp hạm. Vì vậy trong những năm đầu tiên sau Hiệp ước Washington đã chứng kiến việc đóng mới những lớp tàu tuần dương hạng nặng bởi tất cả các quốc gia tham gia vào Hiệp ước.

Vào cuối những năm 1920, những thiết giáp hạm mạnh mẽ nhất trang bị bốn tháp pháo nòng đôi cỡ 381 mm (15 inch) (lớp Queen ElizabethRevenge cùng tàu chiến-tuần dương HMS Hood) hoặc 406 mm (16 inch) (ColoradoNagato) ngoại trừ lớp Nelson mang ba tháp pháo 406 mm (16 inch) ba nòng phía trước. Đa số chúng có tốc độ tối đa 21-24 knot (Revenge, Colorado, Nelson, Queen Elizabeth), một ít có tốc độ 27 knot (Nagato), với ngoại lệ đáng kể là các tàu chiến-tuần dương lớp Renown và chiếc HMS Hood có tốc độ trên 30 knot.

Bộ Hải quân Pháp, dưới sự lãnh đạo của Phó Đô đốc Henri Salaun và Tham mưu trưởng, Phó Đô đốc Violette, đã bàn luận trong những năm 1920 về những kiểu thiết kế tàu chiến khác nhau có thể "tiêu diệt" tàu tuần dương, có vũ khí mạnh hơn và chạy nhanh hơn tàu tuần dương hạng nặng. Một trọng lượng rẽ nước 17.500 hoặc 23.333 tấn sẽ cho phép chế tạo bốn hoặc ba chiếc trong hạn ngạch tối đa 70.000 tấn mà Hiệp ước Washington dành cho Pháp để đóng mới hai chiếc thay thế. Một sự bố trí dàn pháo chính gồm hai tháp pháo 305 mm (12 inch) bốn nòng phía trước được xem xét, kết hợp sự lựa chọn kiểu tháp pháo bốn nòng của các nhà thiết kế Pháp trên các lớp thiết giáp hạm NormandieLyon cùng cách sắp xếp toàn bộ dàn hỏa lực hướng ra phía trước của lớp Nelson. Nhưng một con tàu với tải trọng như vậy không có được một thiết kế cân bằng giữa cách sắp xếp dàn pháo chính, tốc độ khoảng 34-35 knot và vỏ giáp tương xứng, vì vậy kế hoạch này đã không thể xúc tiến việc đặt hàng một thiết giáp hạm với tải trọng mong muốn.[4]

Mọi thứ đều thay đổi vào tháng 2 năm 1929, khi Hải quân Đức đặt lườn chiếc Deutschland, một kiểu tàu chiến mà người Đức xếp vào loại "tàu bọc thép" (tiếng Đức: Panzerschiff) có tải trọng 10.000 tấn, về mặt hình thức tuân thủ theo Hiệp ước Versailles, nhưng trong thực tế nặng hơn ít nhất 25%, nhưng điều này đã không được biết đến ngay vào lúc đó. Với hai tháp pháo 280 mm (11 inch) SK C/28 ba nòng và một tốc độ tối đa 28,5 knot, con tàu này có hỏa lực vượt trội hơn mọi chiếc tàu tuần dương hạng nặng, vốn chỉ trang bị pháo 203 mm (8 inch) nhằm tuân theo quy định của Hiệp ước Washington giới hạn cỡ nòng dàn pháo chính của tàu tuần dương, và nhanh hơn mọi thiết giáp hạm chỉ trừ ba chiếc tàu chiến-tuần dương nhanh nhất của Hải quân Hoàng gia Anh: HMS Hood, HMS RenownHMS Repulse.[5] Lớp Deutschland thường được các nước khác, trước tiên là bởi Hải quân Hoàng gia Anh, gọi là những "thiết giáp hạm bỏ túi", cho dù tên chính thức mà người Đức gọi chúng là những "tàu tuần dương bọc thép".

Sau Deutschland, người Đức tiếp tục mở rộng lớp tàu này khi tiếp tục đặt lườn Admiral Scheer vào tháng 6 năm 1931Admiral Graf Spee vào tháng 10 năm 1932.[6]

Phản ứng của Bộ Hải quân Pháp là đưa ra thiết kế sơ thảo cho một lớp tàu sẽ vượt trội hơn những "thiết giáp hạm bỏ túi" của Đức về hỏa lực, vỏ giáp và tốc độ. Phó Đô đốc Violette nhanh chóng nhận ra rằng, với một tải trọng dưới 26.000 tấn, không thể nào tích hợp hai tháp pháo bốn nòng phía trước với cỡ nòng lớn hơn 305 mm, tốc độ gần 30 knot và vỏ giáp có khả năng chống lại đạn pháo 280 mm.[7] Vì vậy đã khai sinh ra lớp Dunkerque với tải trọng 35.000 tấn.[8] Chiếc dẫn đầu của lớp tàu này, Dunkerque, mang tên thị trấn biểu trưng cho Chiến tranh với Đức năm 1914-1918, được đặt hàng trong Chương trình Chế tạo Hải quân 1932, và được đặt lườn vào ngày 24 tháng 12 năm 1932. Nó được nhanh chóng tiếp nối với chiếc thứ hai Strasbourg, được đặt lườn vào tháng 11 năm 1934.

Vào ngày 14 tháng 2 năm 1934, Đức tiếp tục đặt hàng hai thiết giáp hạm (mà người Anh xem chúng là tàu chiến-tuần dương), mà thiết kế được dựa trên lớp Ersatz Yorck vốn được vạch kế hoạch vào năm 1915.[9] Chiếc Gneisenau được đặt lườn vào ngày 6 tháng 5 năm 1935, tiếp nối bởi chiếc Scharnhorst vào ngày 15 tháng 6 năm 1935. Chúng có trọng lượng rẽ nước nặng hơn lớp Dunkerque, vỏ giáp tốt hơn, và trang bị chín khẩu hải pháo 28 cm SK C/34, cùng cỡ với lớp Deutschland. Theo ý muốn của Adolf Hitler, một cỡ pháo nặng hơn đã từng được xem xét cho dàn pháo chính, vì lớp Dunkerque được trang bị cỡ pháo 330 mm; nhưng vào lúc những quyết định cuối cùng về thiết kế lớp tàu này được đưa ra, Đức đang đàm phán Thỏa thuận Hải quân Anh-Đức 1935, khi mà Chính phủ Anh khẳng định mong muốn giới hạn cỡ nòng pháo chính trên thiết giáp hạm. Vì vậy, một cách miễn cưỡng, kiểu hải pháo 28 cm SK C/34 cải tiến với nòng dài hơn, lưu tốc đầu đạn lớn hơn, nhưng có cùng cỡ nòng 280 mm đã được chọn.[10]

Vì các nhà thiết kế Hải quân Pháp tin rằng vỏ giáp của lớp Dunkerque có thể chống lại đạn pháo 280 mm, họ đã không cần đến một lớp thiết giáp hạm nặng hơn sau đó, nếu như Benito Mussolini đã không tuyên bố vào ngày 26 tháng 5 năm 1934 quyết định chế tạo lớp thiết giáp hạm tải trọng 35.000 tấn, những chiếc thiết giáp hạm Ý đầu tiên kể từ Hiệp ước Hải quân Washington.[7][11]